CÔNG TY LUẬT TNHH MTV CORPORATE & DISPUTE RESOLUTION
Phân tích

Xu hướng mới về giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR): Những vấn đề pháp lý đối với Việt Nam

Trong thời đại được đặc trưng bởi kết nối toàn cầu và thương mại kỹ thuật số, phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) hiện được đánh giá là ưu việt nhất nhằm đảm bảo cho các cá nhân và doanh nghiệp có thể giải quyết xung đột một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Đối với Việt Nam, việc áp dụng rộng rãi phương thức ODR để thúc đẩy thương mại điện tử theo xu hướng thế giới cũng đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới.
Thg9 24, 2024, 12:00 SA EST
ThS.LS.Nguyễn Thị Hải Chi, Công ty Luật TNHH CDR Counsels và NCS.LS Cao Nhật Anh, Công ty Luật TNHH Hà Long.

          1. Đặt vấn đề

          Những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển đột phá của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ số đã xóa nhòa ranh giới giữa vạn vật, tác động ngày càng sâu sắc và toàn diện tới nền kinh tế thế giới và sự phát triển của các quốc gia. Năm 2024, tự động hóa được dự đoán sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để tối ưu hóa các hoạt động và dự báo chính xác nhu cầu, qua đó giúp giảm thời gian cũng như chi phí cho hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi quốc tế cũng như quốc gia đã và sẽ tiếp tục dẫn đến sự gia tăng các tranh chấp và làm phát sinh các thách thức mới đối với việc giải quyết tranh chấp.

          Trong thời đại được đặc trưng bởi kết nối toàn cầu và thương mại kỹ thuật số nêu trên, phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) hiện được đánh giá là ưu việt nhất nhằm đảm bảo cho các cá nhân và doanh nghiệp có thể giải quyết xung đột một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. ODR cho phép các bên từ bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể tiếp cận công lý và giải quyết tranh chấp mà không bị hạn chế về địa lý và tài chính như khi tham gia các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế truyền thống (Alternative Dispute Resolution-ADR) hoặc tố tụng tòa án. Đồng thời, với nền tảng kỹ thuật số để quản lý và giải quyết tranh chấp một cách sáng tạo kết hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo (VR), ODR giúp nâng cao hiệu quả và tính công bằng trong giải quyết tranh chấp. Sự chuyển dịch từ ADR sang ODR cho thấy xu hướng phổ biến của thế giới trong việc tích hợp công nghệ vào các quy trình pháp lý, từ đó định hình lại các phương thức ADR truyền thống và tạo tiền đề cho một tương lai nơi công lý và các giải pháp giải quyết tranh chấp trở nên dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn và thích ứng cao hơn với nhu cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

          Sự chuyển dịch này cũng thúc đẩy việc đánh giá lại các khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh các phương thức giải quyết tranh chấp hiện đại. Trên phạm vi quốc tế, việc tích hợp ODR vào hệ thống pháp luật liên quan đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế công nhận và thực thi pháp lý các kết quả ODR, phát triển các sáng kiến và quy định toàn cầu nhằm tiêu chuẩn hóa và hướng dẫn thực hành các hoạt động ODR. Đối với Việt Nam, việc áp dụng rộng rãi phương thức ODR để thúc đẩy thương mại điện tử theo xu hướng thế giới cũng đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử nói chung và pháp luật về giải quyết tranh chấp trực tuyến nói riêng là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

           2. Lợi thế của ODR so với ADR và xu hướng phát triển ODR trên thế giới 

           2.1. Lợi thế của ODR so với ADR

          Giữa những năm 1990, ODR đã được nghiên cứu và đề xuất bởi các tổ chức và các trung tâm nghiên cứu chuyên về giải quyết tranh chấp thương mại điện tử ở Hoa Kỳ và ngày càng trở nên phổ biến ở những quốc gia và khu vực có nền thương mại điện tử phát triển. Theo định nghĩa phổ biến của các chuyên gia pháp lý, ODR là một thuật ngữ ghép giữa “trực tuyến” (Online) và “các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” (Alternative dispute resolution). Theo đó, ODR được hiểu là việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế thông qua cơ chế trực tuyến như internet hoặc một số hình thức công nghệ cho phép thực hiện các kết nối thông tin ảo trên mạng mà không đòi hỏi các bên phải giao tiếp trực tiếp trong một không gian vật lý nhất định.

          Chính vì vậy, ODR có tất cả các đặc điểm của ADR truyền thống. Mặc dù ODR có thể được sử dụng để giải quyết rất nhiều loại tranh chấp bao gồm: các giao dịch trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử và cả các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch không liên quan đến internet nhưng đối tượng chủ yếu của ODR chính là các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, tập trung vào các nhóm chủ yếu là B2B, B2C và C2C. So với các phương thức ADR truyền thống, ODR có một số lợi thế khác biệt chủ yếu xuất phát từ việc sử dụng công nghệ, cụ thể như sau:

          Thứ nhất, ODR dễ tiếp cận hơn. Các bên có thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp ODR từ mọi nơi trên thế giới, miễn là họ có quyền truy cập internet. Phạm vi tiếp cận toàn cầu này là điều mà các phương thức ADR truyền thống không có được do thường được tiến hành trực tiếp. ODR được tiến hành mà không đòi hỏi bắt buộc phải có sự hiện hữu của những người tham gia giải quyết tranh chấp trong một không gian vật lý cụ thể. Mọi tranh chấp được giải quyết trên không gian mạng thông qua các công cụ như website, email, một diễn đàn ảo (virtual forum) hoặc các phương tiện điện tử khác.

          Thứ hai, ODR thường nhanh hơn và ít tốn kém hơn. Việc sử dụng các quy trình tự động và AI có thể giảm đáng kể thời gian và nguồn lực cần thiết để giải quyết tranh chấp. Các phương thức ADR truyền thống tuy nhanh hơn so với kiện tụng nhưng vẫn yêu cầu các thủ tục lên lịch họp, đảm bảo tuân thủ địa điểm giải quyết tranh chấp và có khả năng phát sinh chi phí đi lại lớn.

          Thứ ba, ODR có sự tham gia của bên thứ tư. Khi thực hiện quy trình ODR, ngoài hai bên tranh chấp và bên giải quyết tranh chấp (người trung gian, hòa giải viên, trọng tài viên) còn có sự tham gia của bên thứ tư là “công nghệ”. Bên thứ tư này thực hiên vai trò cung cấp mạng internet, các thiết bị kết nối thông tin, lưu giữ và chuyển tải dữ liệu giữa các bên với nhau, kết nối với internet hoặc các mạng nội bộ như điện thoại thông minh, máy tính… Khi công nghệ tiến bộ, nền tảng ODR cũng phát triển thông qua việc kết hợp các công cụ tinh vi như trí tuệ nhân tạo (AI) để đàm phán và giải quyết tự động, chuỗi khối (Blockchain) để lưu trữ hồ sơ an toàn và minh bạch cũng như thực tế ảo (VR) cho trải nghiệm hòa giải phong phú.

          Thứ tư,  ODR có tính đa dạng về chủ thể cung cấp dịch vụ. Khác với các trung tâm ADR truyền thống thường theo hình thức phi lợi nhuận để đảm bảo tính khách quan và chuyên nghiệp trong giải quyết tranh chấp, các nhà cung cấp dịch vụ ODR có nhiều hình thức pháp lý đa dạng và có ba loại chính: (i) các tổ chức ADR chuyên nghiệp (tổ chức trọng tài, hòa giải quy chế) tham gia giải quyết tranh chấp trực tuyến khi được các bên tranh chấp lựa chọn hoặc khi nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đề nghị các tổ chức này phân xử tranh chấp với khách hàng của mình hoặc giữa các khách hàng với nhau; (ii) các website cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến cho khách hàng với vai trò trung gian thương mại (ebay, amazon…) hỗ trợ khách hàng tự thương lượng. Trường hợp các khách hàng có tranh chấp không thương lượng được, họ có nghĩa vụ cung cấp thông tin và dữ liệu điện tử của các giao dịch làm chứng cứ cho các tổ chức ADR được các bên tranh chấp lựa chọn; (iii) các thương nhân thiết lập website của chính mình để trực tiếp cung cấp hàng hóa dịch vụ qua internet và đồng thời thiết lập các điều khoản để giải quyết tranh chấp phát sinh với khách hàng. Dưới hình thức này, thương nhân vừa tự đặt ra các quy định về việc mua bán, vừa trực tiếp giải quyết tranh chấp với khách hàng của mình.

           2.2. Xu hướng phát triển ODR trên thế giới            

          Hiện tại, ODR gắn với những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ. Những đổi mới của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine learning), chuỗi khối (Blockchain) và thực tế ảo (VR) không chỉ làm thay đổi các công cụ sẵn có để giải quyết tranh chấp mà còn cải tiến quy trình và trải nghiệm về thương lượng, hòa giải và trọng tài. Những công nghệ này đem lại hiệu quả, tính minh bạch cao hơn trong giải quyết tranh chấp và khắc phục được một số hạn chế truyền thống của cả phương pháp kiện tụng tại tòa án và ADR. Phần này đưa ra một số ví dụ về các tiến bộ công nghệ trong ODR và một số điển hình ứng dụng ODR thành công để minh họa những điểm mới trong xu hướng phát triển ODR trên thế giới.

           a) Tiến bộ công nghệ trong ODR

          Trí tuệ nhân tạo và học máy là những công nghệ nền tảng trong quá trình phát triển ODR, mang đến những khả năng chưa từng có trong việc tự động hóa và cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp. Các thuật toán AI có thể xử lý số lượng lớn dữ liệu để xác định các mẫu và thông tin chi tiết mà con người không thể xử lý được một cách nhanh chóng, từ đó đưa ra các quyết định công bằng và chính xác hơn. Ví dụ: Mô hình học máy có thể dự đoán kết quả tranh chấp dựa trên các dữ liệu lịch sử, đưa ra các giải pháp tiềm năng giúp các bên tìm ra phương án giải quyết trên cơ sở “cùng thắng” (win-win). Đồng thời, các chatbot và trợ lý đàm phán do AI điều khiển sẽ hỗ trợ 24/7 cho các bên tranh chấp, hướng dẫn họ thực hiện tất cả các công đoạn trong quy trình giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi để các bên tự đàm phán mà không cần sự can thiệp của con người. Những công cụ này giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng cách hợp lý hóa các thủ tục giải quyết tranh chấp và xác định kết quả đôi bên cùng có lợi nhanh hơn.

          Bên cạnh đó, công nghệ chuỗi khối cung cấp cách thức đổi mới khác trong ODR, đặc biệt trong việc nâng cao niềm tin và tính minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bằng cách tạo ra một sổ cái an toàn, chi tiết và không thể bị sửa đổi cho các giao dịch và thỏa thuận, blockchain đảm bảo rằng tất cả các bên đều có quyền truy cập vào nguồn dữ liệu bảo mật, tin cậy và chính xác của quá trình tố tụng. Tính năng này đặc biệt có giá trị giúp tăng cường niềm tin cho các bên trong các tranh chấp xuyên biên giới vốn chịu sự điều chỉnh của các hệ thống và tiêu chuẩn pháp lý khác nhau. Ngoài việc bảo mật hồ sơ, blockchain còn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hợp đồng thông minh - hợp đồng tự thực hiện với các điều khoản thỏa thuận được mã hóa. Hợp đồng thông minh tự động thực thi kết quả giải quyết tranh chấp, giảm nhu cầu thực hiện hành động pháp lý tiếp theo và cung cấp cơ chế tuân thủ nhanh chóng. Việc tự động hóa này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận và thực thi các kết quả ODR trên khắp các khu vực pháp lý mà còn giảm thiểu khả năng xảy ra tranh chấp sau khi đã được giải quyết.

          Cùng với AI và Blockchain, công nghệ VR mang đến một cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tranh chấp bằng cách mô phỏng các tình huống và môi trường trong thế giới thực, cho phép các hòa giải viên, trọng tài viên và các bên tranh chấp tham gia vào các mô phỏng sống động. Khả năng này đặc biệt hữu ích trong các tranh chấp phức tạp, trong đó việc hiểu rõ bối cảnh và quan điểm của mỗi bên là rất quan trọng. VR có thể tạo ra sự hiểu biết đồng cảm và môi trường hợp tác, tạo điều kiện cho việc giao tiếp và đàm phán hiệu quả hơn. Hơn nữa, mô phỏng VR đóng vai trò là công cụ đào tạo hiệu quả cho các hòa giải viên, trọng tài viên, cho phép họ trau dồi kỹ năng của mình trong nhiều tình huống tranh chấp giả định khác nhau. Các khóa đào tạo này có thể mang đến các chiến lược và kỹ thuật giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, tạo ra kết quả cuối cùng là cải thiện chất lượng của các dịch vụ giải quyết tranh chấp.

          Những đổi mới công nghệ trong AI và học máy, Blockchain và VR nêu trên đang mở rộng đáng kể khả năng và phạm vi tiếp cận của ODR. Những công nghệ này không chỉ nâng cao hiệu suất và hiệu quả của quá trình giải quyết tranh chấp mà còn đưa ra những cách thức mới để xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và hợp tác giữa các bên tranh chấp. Việc tiếp tục phát triển và tích hợp các công nghệ này vào các nền tảng ODR hứa hẹn sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa các phương thức giải quyết tranh chấp, khiến ODR trở nên dễ tiếp cận, minh bạch và công bằng hơn cho tất cả các bên liên quan.

         b) Điển hình ứng dụng ODR thành công trên thế giới

         Nền tảng giải quyết tranh chấp Modria (Hoa Kỳ)[1]:

         Được phát triển ban đầu bởi những người thiết kế hệ thống giải quyết tranh chấp của eBay và PayPal, Modria bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Modria nổi tiếng với bộ công cụ ODR toàn diện, cung cấp các giải pháp cho nhiều loại hình tranh chấp từ các vấn đề về thương mại điện tử và người tiêu dùng đến khiếu nại về thuế, tài sản. Kho công nghệ của Modria bao gồm các hệ thống quản lý hiệu quả, các công cụ đàm phán và hòa giải cũng như hỗ trợ ra quyết định do AI cung cấp. Theo số liệu thống kê, hiện tại có khoảng hơn 400 triệu vụ việc đã được giải quyết thông qua nền tảng Modria, trong đó có hơn 90% vụ việc được giải quyết hoàn toàn tự động; thời gian giải quyết tranh chấp nhanh hơn ít nhất 50% so với phương thức ADR truyền thống.

          Nền tảng giải quyết tranh chấp Resolver (Vương quốc Anh)[2]:

          Bắt đầu hoạt động từ năm 2014, Resolver tập trung chủ yếu vào giải quyết các nội dung liên quan đến quyền lợi và khiếu nại của người tiêu dùng. Resolver cung cấp giải pháp đơn giản hóa quy trình giải quyết tranh chấp với các nhà cung cấp dịch vụ thông qua việc hướng dẫn người tiêu dùng dùng thực hiện quy trình khiếu nại, cung cấp các mẫu và công cụ liên lạc để đảm bảo quyền lợi của họ được giải quyết một cách hiệu quả. Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, có 9 triệu vụ việc đã được giải quyết thông qua nền tảng Rosolver.

          Nền tảng giải quyết tranh chấp FairClaims (Hoa Kỳ)[3]:

         Bắt đầu hoạt động từ năm 2015, FairClaims tập trung vào việc giải quyết các khiếu nại nhỏ (có giá trị dưới 25.000 đô-la Mỹ) và tranh chấp lao động. FairClaims cung cấp một quy trình trọng tài hợp lý, giải pháp hòa giải ảo và nền tảng thân thiện với người dùng và có giá rẻ, tạo điều kiện giải quyết tranh chấp nhanh chóng, thường chỉ mất vài tuần. Theo số liệu thống kê, đến nay, có khoảng 10.000 vụ việc đã được giải quyết thông qua nền tảng này với tỷ lệ hài lòng của khách hàng lên tới 92%.

          Tòa án Giải quyết Dân sự (CRT) của British Columbia (Canada)[4]:

         Là tòa án trực tuyến đầu tiên ở Canada, CRT đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tích hợp ODR vào hệ thống pháp luật quốc gia. CRT xử lý các khiếu nại nhỏ, tranh chấp liên quan đến chung cư và một số loại tranh chấp về thương tích do xe cơ giới. CRT cho phép toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp từ khi nộp hồ sơ đến khi ra quyết định được tiến hành trực tuyến. Hiện nay, hệ thống này đã giải quyết thành công hàng nghìn vụ việc, đóng vai trò là hình mẫu cho việc đưa ODR vào tố tụng tòa án của quốc gia.

          Trung tâm giải quyết tranh chấp của eBay[5]:

          Một trong những ví dụ sớm nhất và thành công nhất về ODR là Trung tâm giải quyết tranh chấp của eBay. Trung tâm này xử lý hàng triệu tranh chấp hàng năm, bao gồm các nội dung như trả lại, hoàn tiền và chất lượng hàng hóa thông qua việc áp dụng quy trình tự động cho phép người mua và người bán tự giải quyết tranh chấp mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ eBay, ngoại trừ trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận. Hiệu quả xử lý khối lượng tranh chấp lớn như vậy khẳng định tiềm năng của ODR trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử và người tiêu dùng trên quy mô toàn cầu.

           Nền tảng Dutch Rechtwijzer (Hà Lan)[6]:

          Mặc dù hiện tại đã ngừng hoạt động nhưng nền tảng Rechtwijzer là sáng kiến tiên phong ở Hà Lan, cung cấp giải pháp ODR toàn diện cho một loạt các tranh chấp dân sự, bao gồm cả vấn đề ly hôn và giao dịch thuê nhà. Nền tảng này cung cấp cho người dùng các lộ trình đơn giản để giải quyết các tranh chấp của họ thông qua việc sử dụng sơ đồ quy trình, công cụ đàm phán và quyền lựa chọn các hòa giải viên và nhà tư vấn pháp lý trực tuyến.  Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp thương lượng và tập trung trao quyền cho người dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp đã khiến Rechtwijzer trở thành một mô hình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ODR.

           Với những bước tiến quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận trên toàn cầu bằng cách tận dụng công nghệ tiên tiến và cách thiết kế lấy người dùng làm trung tâm, ODR nói chung và các điển hình nêu trên không chỉ tham gia giải quyết tranh chấp mà còn góp phần vào mục tiêu lớn hơn là tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý và công lý cho người dân. Những câu chuyện thành công từ các nền tài phán khác nhau đã chứng minh cho tính linh hoạt và hiệu quả của ODR trong việc giải quyết nhiều tranh chấp, báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn cho việc tích hợp công nghệ vào quá trình tiếp cận công lý.

           3. Thực trạng áp dụng ODR ở Việt Nam

          Hiện nay, Việt Nam có hơn 40 tổ chức trọng tài[7]. Việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp đã được một số tổ chức trọng tài thực hiện với các mức độ khác nhau. Trong đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hà Nội (HIAC) là tổ chức trọng tài đầu tiên cung cấp nền tảng cho phép thực hiện việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và tố tụng trọng tài trực tuyến (ODR) kể từ tháng 6/2020. Phương thức ODR được HIAC áp dụng với các vụ tranh chấp giá trị nhỏ gồm: (i) các tranh chấp thương mại điện tử và tranh chấp tiêu dùng có giá trị dưới 30 triệu đồng; (ii) các tranh chấp thương mại xuyên biên giới theo sự lựa chọn hình thức của các bên và (iii) các tranh chấp kinh tế, thương mại khác tại Việt Nam có giá trị dưới 30 triệu hoặc không giới hạn giá trị nếu các bên đều có chữ ký số. Theo công bố tại website của HIAC[8], tổ chức này dự kiến kết nối hệ thống ODR với các sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ các bên tham gia giao dịch trên sàn; hợp tác với tổ chức ODR nước ngoài để giải quyết tranh chấp xuyên biên giới, hợp tác với các tổ chức trọng tài, hoà giải trong nước để cung cấp giải pháp hệ thống ODR và hợp tác với các tổ chức khác để mở rộng hệ thống chi nhánh của HIAC hoặc cung cấp nền tảng cho các tổ chức muốn hoạt động tự chủ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có báo cáo chính thức về số lượng vụ việc đã được giải quyết thông qua nền tảng này.

          Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã ứng dụng một số công đoạn của quy trình ODR trong giải quyết tranh chấp. Theo đó, việc trao đổi các nội dung văn thư, tài liệu giữa các bên và hội đồng trọng tài được thực hiện thông qua email nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận thông tin; nhiều phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành trực tuyến (videoconference) với nhiều điểm cầu đặt ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam; dịch vụ phiên dịch được cung cấp song song trực tuyến, dịch vụ nhận dạng giọng nói và tạo biên bản phiên họp tự động, phỏng vấn nhân chứng và thẩm tra chéo nhân chứng trực tuyến....cũng được áp dụng. Tuy nhiên, cũng chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng các vụ việc được giải quyết theo phương thức trực tuyến tại VIAC. Hiện tại, VIAC đang triển khai xây dựng hệ thống nộp đơn và tài liệu điện tử dự kiến sớm đi vào hoạt động.

         Trong lĩnh vực thương mại điện tử, bên cạnh việc tiếp nhận và xử lý tranh chấp tại Bộ Công Thương, nhiều website thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Sendo… đã xây dựng và thực hiện quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp riêng. Tuy vậy, hiện Việt Nam chưa có một nền tảng ODR toàn diện và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử như các điển hình tại các nước trên thế giới.

          Từ thực tiễn trên, có thể thấy rằng việc ứng dụng ODR tại Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai, chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, số lượng các giao dịch thương mại điện tử tăng nhanh và đồng thời số lượng các tranh chấp cũng nhiều lên, các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống trở nên kém hiệu quả. Với những ưu điểm mà công nghệ có thể mang lại cho quá trình giải quyết tranh chấp, ODR là hướng đi tối ưu và là xu hướng tất yếu của Việt Nam, phù hợp với xu thế của  thế giới. Để thích ứng và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, đạt được mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước vào năm 2025 như trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy việc phát triển cơ chế ODR. Tuy nhiên, để ODR có thể được áp dụng rộng rãi trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ giao dịch thương mại điện tử, một trong nhũng ưu tiên hàng đầu là cần khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết các vấn đề pháp lý đang đặt ra

          4. Các vấn đề pháp lý về ODR đối với Việt Nam và đề xuất hướng giải quyết

          4.1. Các vấn đề pháp lý về ODR đối với Việt Nam

          a) Cơ chế công nhận pháp lý và khả năng thực thi kết quả ODR

         Tính chất toàn cầu của các tranh chấp phát sinh từ thương mại điện tử và thương mại quốc tế đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính tổng thể đối với ODR. Hiệu quả của ODR phần lớn phụ thuộc vào liệu các quyết định, thỏa thuận hoặc kết quả giải quyết đạt được thông qua nền tảng ODR có khả năng thực thi tương tự như các quyết định, thỏa thuận hoặc giải quyết tranh chấp truyền thống hay không? Tính chất đổi mới không ngừng của công nghệ và tranh chấp xuyên biên giới đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự thích ứng và hợp tác liên tục giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cũng như các quốc gia khác trong việc đảm bảo rằng việc giải quyết tranh chấp trực tuyến đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng, sự công bằng và công lý để có thể được công nhận và thực thi.

          b) Thiếu một chế định pháp luật độc lập và phù hợp để điều chỉnh về phương thức ODR

         Từ năm 2005, Việt Nam đã công nhận hai văn bản mang tính toàn cầu về thương mại điện tử do Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) ban hành gồm Luật mẫu về thương mại điện tử năm 1996 (sửa đổi năm 1998) và Luật Mẫu về chữ ký điện tử năm 2001. Trên cơ sở đó, pháp luật hiện hành liên quan đến thương mại điện tử ở Việt Nam cũng đã có những quy định hỗ trợ cho việc giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến. Cụ thể, Luật giao dịch điện tử năm 2005 (được thay thế bởi Luật Giao dịch điện tử năm 2023) đã công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chữ ký số, thông điệp dữ liệu điện tử; Luật Công nghệ thông tin 2006 đã quy định tổng thể về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã quy định về giải quyết tranh chấp đối với mọi đối tượng người tiêu dùng có thể được thực hiện thông qua hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến; quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thông qua thương lượng trực tuyến... Tuy nhiên, các quy định này mới dừng lại ở nguyên tắc chung về giải quyết tranh chấp. Hiện chưa có một chế định pháp luật độc lập và phù hợp để điều chỉnh về phương thức ODR. Sự thiếu vắng cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện này đang gây trở ngại cho việc áp dụng ODR để giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp phát sinh từ giao dịch thương mại điện tử.

           c) Tồn tại nhiều bất cập trong các quy định pháp luật có liên quan

            Bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

          Theo quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do đó, chứng cứ có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2023 đã có quy định thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ nhưng giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo.... Trong khi đó, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 lại chưa có các quy định riêng về công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài trực tuyến; việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử; quy định cụ thể để xác định giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu được sử dụng làm chứng cứ....Những hạn chế của pháp luật tố tụng dân sự liên quan đến chứng cứ nêu trên khiến phương thức ODR chưa được sử dụng một cách rộng rãi và hiệu quả.

            Bất cập của Luật Trọng tài thương mại 2010:

          Thứ nhất, chưa có khái niệm “trọng tài trực tuyến”. Hiện nay, chỉ có hệ thống tòa án có các hướng dẫn về việc mở phiên tòa trực tuyến; hoàn toàn chưa có các quy định cụ thể về việc giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với phương thức trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Mặc dù Luật Trọng tài thương mại 2010 không có quy định cấm việc thực hiện phương thức trọng tài trực tuyến nhưng do chưa có quy định cụ thể nên còn thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện trên thực tế và các bên tranh chấp vẫn còn tâm lý nghi ngại đối với việc áp dụng phương thức này.

          Thứ hai, quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp tại khoản 8 Điều 3 hạn chế việc giải quyết tranh chấp trực tuyến. Theo đó, trong trường hợp tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài trực tuyến, hội đồng trọng tài không trực tiếp gặp các bên tranh chấp ở một địa điểm vật lý cụ thể mà thông qua video conference, chat room hoặc phương tiện điện tử khác. Nếu theo quy định tại khoản 8 Điều 3 về địa điểm giải quyết tranh chấp “là nơi hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thoả thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thoả thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được xem là tuyên tại lãnh thổ Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó” thì khó có thể xác định được địa điểm giải quyết tranh chấp chính xác trong trường hợp tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài trực tuyến, dẫn đến rủi ro phán quyết trọng tài có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành hoặc bị hủy với lý do vi phạm thủ tục tố tụng.

         Thứ ba, quy định hình thức của phán quyết trọng tài là “bằng văn bản và phải có "chữ ký của Trọng tài viên" tại Khoản 1 Điều 61 gây tranh cãi khi áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Theo đó, trường hợp phán quyết được ban hành dưới dạng điện tử (bao gồm văn bản điện tử và chữ ký điện tử của Trọng tài viên) thì có được coi là hợp lệ hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và thống nhất, dẫn đến sự lúng túng của các tổ chức trọng tài khi áp dụng ODR và tâm lý e ngại của các bên tranh chấp.

           Bất cập của Nghị định số 22/2017 NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại:

          Nghị định số 22/2017 NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại có quy định cho phép các bên quyền tự thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận (Điều 14). Quy định này bước đầu tạo điều kiện cho việc hòa giải trực tuyến theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, phạm vi tranh chấp được sử dụng phương thức ODR; trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định hòa giải trực tuyến… chưa được quy định cụ thể nên trên thực tế phương thức hòa giải trực tuyến chưa phát huy được hiệu quả sử dụng.

           Bất cập của Luật giao dịch điện tử 2023:

          Luật giao dịch điện tử 2023 đã tạo một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực;  khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn; từ đó
thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và tạo ra môi trường an toàn và pháp lý cho các hoạt động trực tuyến. Tuy nhiên, Luật này chưa có quy định về phương thức, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử - hình thức giao dịch được thực hiện trên thị trường phi biên giới. Do đó, phương thức ODR còn thiếu cơ sở pháp lý để thực thi đối với các giao dịch điện tử.

          4.2. Đề xuất hướng giải quyết

          a) Áp dụng các sáng kiến và quy định toàn cầu về ODR

          Bằng cách thiết lập sự công nhận về mặt pháp lý và khả năng thực thi các kết quả ODR cũng như áp dụng các sáng kiến và quy định toàn cầu để hướng dẫn thực hành ODR, các khu vực pháp lý trên toàn thế giới đang đặt nền móng cho ODR phát triển mạnh. UNCITRAL đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các văn bản pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp. Ghi chú Kỹ thuật của UNCITRAL về Giải quyết tranh chấp Trực tuyến đã tạo ra một khuôn khổ không mang tính bắt buộc về các nguyên tắc và hướng dẫn thủ tục nhằm hài hòa hóa các thông lệ và đảm bảo tính công bằng, minh bạch và khả năng tiếp cận trong các quy trình ODR. Bên cạnh đó, UNCITRAL cũng đã thông qua Công ước về thỏa thuận giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải (Công ước Singapore) năm 2018, có hiệu lực từ 12/9/2020, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc công nhận và thi hành các thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải, hứa hẹn đặc biệt cho sự phát triển của hòa giải trực tuyến. Điều 2 của Công ước Singapore quy định bao quát các dạng thức “bằng văn bản” của thỏa thuận hòa giải, cho phép tùy chỉnh theo sự phát triển của công nghệ. Điều này tạo thuận lợi cho việc thực thi các thỏa thuận giải quyết phát sinh thông qua thủ tục hòa giải trực tuyến. Do đó, nếu hai doanh nghiệp APEC sử dụng nền tảng ODR trên toàn APEC để hòa giải tranh chấp của họ thì có thể nhanh chóng thực thi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được ở một quốc gia ký kết Công ước.

          Tương tự, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) cũng đã phát triển các tiêu chuẩn liên quan đến ODR bao gồm ISO 10003:2017, đưa ra hướng dẫn xử lý khiếu nại trong các tổ chức, bao gồm các nguyên tắc áp dụng cho hệ thống ODR.

          Tại Liên minh Châu Âu, nền tảng ODR được thiết lập theo Quy định (EU) số 524/2013 cung cấp khuôn khổ để giải quyết các tranh chấp của người tiêu dùng phát sinh từ các giao dịch trực tuyến. Quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các cơ chế ODR trên toàn EU mà còn đảm bảo rằng các thỏa thuận đạt được thông qua nền tảng này có thể được thực thi ở các quốc gia thành viên, tuân theo luật pháp quốc gia.

          Tại Hoa Kỳ, khả năng thực thi các kết quả ODR được điều chỉnh bởi các nguyên tắc luật hợp đồng, trong đó các bên đồng ý bị ràng buộc bởi kết quả của quy trình ODR. Ngoài ra, Đạo luật giao dịch điện tử thống nhất (UETA) và Chữ ký điện tử liên bang trong Đạo luật thương mại quốc gia và toàn cầu (Đạo luật ký điện tử) cung cấp cơ sở pháp lý cho các thỏa thuận và chữ ký điện tử, hỗ trợ thêm cho việc thực thi các thỏa thuận ODR.

          Những sáng kiến, quy định nêu trên phản ánh sự công nhận rộng rãi về tầm quan trọng của ODR trong bối cảnh pháp lý toàn cầu và nhu cầu về các khuôn khổ pháp lý không chỉ cho phép nền tảng ODR hoạt động hiệu quả mà còn đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định về chất lượng, sự công bằng, công lý và khả năng thực thi. Vì vậy, Việt Nam cần phải có một khung pháp luật đồng bộ, phù hợp với các quy chuẩn của luật pháp và thông lệ quốc tế về thương mại điện tử và ODR. Thay vì nội luật hóa các công ước quốc tế bằng cách phê chuẩn rồi dựa vào đó ban hành các đạo luật quốc gia như vẫn làm, Việt Nam nên công nhận và áp dụng trực tiếp những sáng kiến, điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và chuẩn mực thế giới để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và giải thích pháp luật giữa Việt Nam và các chủ thể tham gia, tạo điều kiện thuận lợi việc giải quyết tranh chấp trực tuyến. Đồng thời, Việt Nam cũng cần chủ động ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia khác để xác định cơ chế ODR phù hợp và hiệu quả, đảm bảo khả năng thực thi cho các bên tham gia giải quyết tranh chấp.

           b) Xây dựng một khuôn khổ pháp luật phù hợp và đồng bộ cho ODR

          Khung pháp lý cho giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ có thể được phát triển từ nền tảng khung pháp lý hiện tại cho trọng tài và hòa giải thương mại ngoại tuyến với sự bổ sung một số quy định để giải quyết vấn đề đặc thù của “trực tuyến”. Xu hướng chung trên thế giới là không nhất thiết phải ban hành luật mới để điều chỉnh vấn đề này. Để thúc đầy việc sử dụng rộng rãi ODR, việc sửa đổi bổ sung hàng loạt quy định hiện hành là công việc cần phải triển khai kịp thời. Cụ thể:

         Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài và quy định về chứng cứ tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được lập và ban hành theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, cần bổ sung khái niệm về “chứng cứ điện tử” và giá trị pháp lý của “chứng cứ điện tử” tương thích với các quy định của Luật giao dịch điện tử 2023; bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử; quy định cụ thể để xác định giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu được sử dụng làm chứng cứ. Bên cạnh đó, cần quy định tường minh hơn khái niệm “dữ liệu điện tử” để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng. Theo đó, “dữ liệu điện tử” được hiểu là một trong các nguồn chứng cứ được quy định trong các bộ luật tố tụng, ở trạng thái tự nhiên, dữ liệu điện tử có trong các thiết bị, phương tiện điện tử, các khu vực lưu trữ khác hoặc được truyền đi, tiếp nhận từ các thiết bị, phương tiện điện tử, khi thông qua một phần mềm thích hợp, do chuyên gia thực hiện, trên các thiết bị và phương tiện điện tử tương thích thì các dữ liệu điện tử sẽ biểu hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp có khả năng truyền tải thông tin như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan.

          Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, cần  bổ sung quy định về “Trọng tài trực tuyến” để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc triển khai thực hiện phương thức này. Đồng thời, sửa đổi quy định về địa điểm giải quyết tranh chấp tại khoản 8 Điều 3 theo hướng xác định địa điểm giải quyết tranh chấp là “địa điểm về mặt pháp lý”, không phải là địa điểm được xác định theo vị trí địa lý. Quy định này cho phép các bên thoả thuận chọn địa điểm trọng tài tại Việt Nam nhưng Hội đồng Trọng tài vẫn có thể xét xử trực tuyến, không ảnh hưởng đến việc xác định địa điểm giải quyết tranh chấp về mặt pháp lý. Khi đó, phán quyết trọng tài được tuyên trực tuyến sẽ không bị xem là vi phạm tố tụng trọng tài. Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi quy định về hình thức của phán quyết trọng tài tại Khoản 1 Điều 61 theo hướng công nhận giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài được lập và ban hành theo hình thức trực tuyến (sử dụng hình thức văn bản điện tử và chữ ký điện tử).

         Thứ ba, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Hòa giải thương mại với các nội dung mở rộng hơn theo mô hình Luật mẫu UNCITRAL nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc hiện nay của Nghị định 22/2017/NĐ-CP, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể về phạm vi các tranh chấp cụ thể được sử dụng phương thức hòa giải trực tuyến; trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định hòa giải trực tuyến; quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan khi tham gia phương thức hòa giải trực tuyến.

         Thứ tư, tiếp tục bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Theo đó, cần quy định rõ khái niệm “chứng cứ điện tử” đồng bộ với việc bổ sung khái niệm này tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi được sửa đổi. Đồng thời, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên trong các mối quan hệ trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ (trách nhiệm đối với an toàn thông tin, trách nhiệm đối với bảo mật dữ liệu, trách nhiệm cẩn trọng trong ứng xử, trách nhiệm trong các tình huống tranh chấp cụ thể); bổ sung quy định về phương thức, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng điện tử.

          5. Kết luận

         Tương lai của ODR phụ thuộc vào sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ và tính thích ứng về pháp lý ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc phát triển ODR hứa hẹn mang đến cách thức giải quyết tranh chấp dễ tiếp cận, hiệu quả và công bằng hơn, có khả năng thay đổi không chỉ các hoạt động ADR truyền thống mà còn thay đổi cả cơ cấu của hệ thống tư pháp toàn cầu. Sự tích hợp liên tục của AI, blockchain và VR vào nền tảng ODR báo trước một tương lai nơi công nghệ và pháp luật hội tụ để tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp giải quyết tranh chấp lấy con người làm trung tâm. Hành trình phía trước của ODR chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức nhưng vai trò xác định lại các nguyên tắc và thực tiễn giải quyết tranh chấp cho thời đại kỹ thuật số của ODR là không thể phủ nhận. Việc phát triển ODR đang giúp các quốc gia phát triển và hội nhập sâu hơn vào bối cảnh pháp lý toàn cầu.

         Khi ODR tiếp tục chứng minh tính hiệu quả, sẽ ngày càng nhiều quốc gia ban hành luật hoặc thông qua các hiệp định quốc tế chính thức công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các kết quả ODR. Điều này giúp hài hòa hóa việc giải quyết tranh chấp xuyên biên giới, giúp các cá nhân và doanh nghiệp giải quyết tranh chấp quốc tế dễ dàng hơn. Những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là AI khiến ODR có thể thay đổi theo hướng phòng ngừa khi các tranh chấp tiềm ẩn được xác định và giải quyết sớm, giảm nhu cầu can thiệp pháp lý chính thức hơn và thúc đẩy văn hóa giải quyết tranh chấp thân thiện.Với những ưu việt đó, việc áp dụng rộng rãi ODR tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Hy vọng rằng, những vấn đề pháp lý nêu trên sẽ sớm được khắc phục một cách đồng bộ, giúp ODR phát huy được hiệu quả trong giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Tài liệu tham khảo:

  1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử tại https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet tin.aspx?ItemID=1951&l=Nghiencuutraodoi
  2. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trực tuyến tại Việt Nam, tác giả Bùi Hồng Ngọc, Trường Đại học thủ đô Hà Nội.
  3. Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử và bài học cho Việt Nam, tác giả Thạc sĩ Trần Hạnh Linh, Khoa Luật Trường Đại học Thương mại.
  4. Báo cáo đánh giá khả năng gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải của Việt Nam, tác giả Đoàn Thanh Huyền, Nguyễn Thị Chính, Đỗ Thị Thu Trang, Tiến sĩ Dalma R Demeter, 2021
  5. Cập nhật “Giai đoạn thứ 5” của ODR: Kinh nghiệm của Singapore và APEC Experience, tác giả  Janet C Checkley, Trưởng nhóm kỹ thuật Viện Giải quyết tranh chấp quốc tế Singapore
  6. https://www.linkedin.com/pulse/emerging-trends-online-dispute-resolution-odr-reshaping-santosh-g-9ncuc (Các xu hướng mới nổi của giải quyết tranh chấp trực tuyến)

 


[1] Xem https://www.tylertech.com/products/online-dispute-resolution

[2] Xem https://www.resolver.co.uk/

[3]Xem https://mediation.fairclaims.com/

[4] Xem https://civilresolutionbc.ca/about-the-crt/

[5] Xem https://www.ebay.com/help/buying/resolving-issues-sellers/resolving-issues-sellers?id=4011

[6] Xem https://en.wikipedia.org/wiki/Online_Justice_Journeys_(Rechtwijzer_or_MyLawBC)

[7] Xem https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/839D77C-hd-danh-sach-cac-to-chuc-trong-tai-thuong-mai-tai-viet-nam-cap-nhat-nam-2023.html#google_vignette

[8] Xem https://www.hiac.vn/